DTI là công thức tính các khoản nợ phải trả dựa trên thu nhập cá nhân của người vay và người đồng vay. DTI giúp các Ngân hàng tính toán số tiền được vay, khoản trả nợ hàng tháng phù hợp với khả năng tài chính của Khách hàng. Nhằm giảm rủi ro tốt nhất cho Ngân hàng. Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về công thức tính DTI này nhé.
DTI là gì?
DTI là từ viết tắt của Debt – To – Income (DTO) Ratio, tức là tỷ lệ nợ của bạn trên thu nhập của bạn. Nói một cách dễ hiểu rằng, ngân hàng sẽ xem xét bạn đang nợ bao nhiêu tiền, thu nhập của bạn mỗi tháng là bao nhiêu. Từ đó tính ra được khả năng cho bạn vay vốn được bao nhiêu tiền.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ít dùng đến cụm từ DTI này. Tuy nhiên, dân trong ngành tài chính – ngân hàng thường rất hay dùng từ DTI mỗi khi cần tính toán sơ bộ số tiền cho khách hàng vay. Đôi khi tính ra từ chối cho vay luôn vì DTI không đủ (fail DTI).
Vai trò của DTI trong quá trình vay vốn
Đối với Ngân hàng:
Việc tính toán Debt – To – Income (DTO) Ratio sẽ giúp ngân hàng đánh giá sơ bộ được khách hàng có đủ năng lực về tài chính hay không. Tỉ lệ DTI của khách hàng càng thấp chứng tỏ năng lực tài chính của khách hàng càng cao. Ngược lại, tỷ lệ DTI cao có nghĩa rằng năng lực tài chính của khách hàng đang có vấn đề và nên xem xét đến việc ngưng cấp tín dụng.
Đối với Khách hàng:
Việc tính toán Debt – To – Income (DTO) Ratio là việc làm cần thiết và đầu tiên mỗi khi nhân viên ngân hàng hoặc công ty tài chính tiếp nhận nhu cầu vay. Việc tính toán trước và có kết quả sơ bộ sẽ giúp nhân viên ngân hàng nhanh đưa ra kết luận. Từ đó, đỡ mắc công bạn phải tốn thời gian chuẩn bị hồ sơ mà không được kết quả gì.
Ngoài ra, bạn sẽ hiểu hơn về sức khoẻ tài chính của bản thân, từ đó tìm hướng để cải thiện DTI về sau.
Công thức tính DTI :
Công thức tính DTI cụ thể như sau:
DTI = Tổng số tiền phải trả nợ mỗi tháng / Tổng thu nhập một tháng
Trong đó:
– Tổng số tiền phải trả nợ mỗi tháng: bao gồm các khoản nợ trước đó của khách hàng như vay mua nhà, mua xe hoặc vay tín chấp tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Đồng thời, các bạn tính luôn khoản phải trả nợ hàng tháng cho khoản vay lần này vào luôn.
– Tổng thu nhập một tháng: là tổng số tiền mà khách hàng thực nhận mỗi tháng. Nếu khách hàng nào đang kinh doanh và lợi nhuận tính bằng năm, thì lấy lợi nhuận đó chia 12 tháng để có con số mỗi tháng của khách hàng.
– Đối với khoản nợ thẻ tín dụng:
Thẻ tín dụng vẫn được tính đó là một khoản nợ của bạn, thông thường nếu như bạn đang sử dụng full hạn mức thì số tiền bạn phải trả cho khoản thẻ là 5% tổng hạn mức thẻ tín dụng.
Khi bạn đi vay thế chấp, con số DTI sẽ được tính một cách linh động hơn nếu như khách hàng có nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Còn nếu như bạn đi vay tín chấp tại ngân hàng hoặc các công ty tài chính thì sẽ tính duy nhất 1 nguồn thu nhập chính mà thôi.
Cách để giảm tỷ lệ DTI
Để giảm tỷ lệ nợ trên thu nhập (DTI) thì có 3 cách để bạn có thể thực hiện được:
– Giảm khoản phải trả hàng tháng: Hoặc là bạn trả hết nợ, hoặc là bạn làm cam kết tất toán khi giải ngân.
– Dãn thời gian vay vốn ra: Như mình có đề cập ở ví dụ, việc giãn thời vay ra sẽ làm giảm khoản trả nợ mỗi tháng, từ đó sẽ kéo theo chỉ số Debt – To – Income (DTO) Ratio giảm theo để thoả điều kiện vay vốn.
– Tăng thu nhập: Cách này thông thường sẽ cần thời gian hoặc nếu vay thế chấp thì các bạn sẽ được “hợp thức hoá” các khoản thu nhập không chứng minh được của khách hàng.
Có phải Ngân hàng nào cũng áp dụng tỷ lệ tính DTI ?
Hầu hết các ngân hàng đều áp dụng công thức tính DTI khi khách hàng vay vốn. Việc tính DTI đa số chỉ áp dụng khi Khách hàng vay thế chấp, vay số tiền lớn, hoặc vay tín chấp, mở thẻ tín dụng qua các Ngân hàng.
Đối với khoản vay tín chấp, tại các công ty tài chính như: FE Credit, Home Credit đa số đều không áp dụng công thức tính DTI chặt chẽ. Nếu có chỉ là tính toán đơn giản, không đi sâu vào thu nhập thật sự của Khách hàng.
Việc tính tỷ lệ DTI là quá trình thẩm định bắt buộc trước khi làm hồ sơ vay đối với hầu hết các Ngân hàng. Nhưng bạn cũng không cần quá lo lắng, đa số các Cán bộ tín dụng sẽ rất linh động, hỗ trợ bạn trong khoản tính DTI này. Từ đó giúp bạn đưa ra được 1 phương án vay hiệu quả, an toàn trong tương lai.