Đối với khoản vay vốn Ngân hàng để mua xe ô tô, xe tải, tất cả các khách hàng đều bắt buộc cam kết phải mua Bảo hiểm thân vỏ trong suốt thời hạn vay. Theo quy định pháp luật, loại bảo hiểm này là bảo hiểm tự nguyện và không bắt buộc. Vậy tại sao Ngân hàng lại bắt buộc khách hàng phải tham gia ? Nếu đang có thắc mắc xoay quanh vấn đề này, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Bảo hiểm thân vỏ là gì?
Khi mua ôtô, ngoài bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, hầu hết các chủ xe thường mua thêm bảo hiểm thân vỏ, là dạng bảo hiểm tự nguyện, đặc biệt với người mới lái trong vài năm đầu sở hữu xe. Không giống như bảo hiểm bắt buộc có mức giá cố định, ví dụ 480.700 đồng với xe 5 chỗ, bảo hiểm thân vỏ có nhiều mức khác nhau, tùy xe và nhà cung cấp.
Bảo hiểm thân vỏ hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả thiệt hại về xe trong trường hợp chủ xe tự gây ra các tổn thất không mong muốn mà không có tác động của bên thứ ba.
Vì sao Ngân hàng bắt buộc khách hàng phải mua Bảo hiểm thân vỏ suốt thời hạn vay?
Thông thường, khi bạn mua xe ô tô qua hình thức vay vốn Ngân hàng. Đa số, các Ngân hàng hiện tại đều sẽ tài trợ tỷ lệ vay lên đến 75-80% giá trị chiếc xe. Như vậy, phần vốn mà bạn tự có chỉ khoảng 25% giá trị phương tiện. Và 75% còn lại là nguồn vốn mà Ngân hàng tài trợ cho bạn.
Lúc này chiếc xe mà bạn đang chạy chính là tài sản của Ngân hàng. Sẽ không nói quá rằng, phía Ngân hàng chỉ đang cho bạn mượn tài sản của họ để di chuyển mà thôi. Chính vì điều đó, nên Ngân hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu bạn phải bảo vệ tài sản cho họ, để tránh rủi ro ngoài ý muốn, làm giảm giá trị xe.
Ví dụ:
Bạn tự lùi xe vào cột, tự đâm vào tường. Lúc này, khi tham gia gói Bảo hiểm thân vỏ, bạn sẽ được phía Công ty Bảo hiểm chi trả phần phí sửa chữa, tân trang. Và như vậy tài sản thuộc Ngân hàng, vẫn được đảm bảo nguyên vẹn.
Quy định khi mua Bảo hiểm thân vỏ của Ngân hàng
Giá trị bảo hiểm phải lớn hơn Giá trị xe
Đây là điều kiện bắt buộc khi khách hàng tái tục lại Bảo hiểm thân xe. Vì giá trị xe sẽ giảm, nên định kỳ 6 tháng 1 lần, Ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định lại giá trị xe của Khách hàng. Và đến thời hạn tái tục Bảo hiểm, Ngân hàng sẽ dựa trên giá trị định giá mà đưa ra mức giá tham gia Bảo hiểm thân xe cho khách hàng. Và giá trị Bảo hiểm luôn luôn phải lớn hơn Giá trị xe tại thời điểm định giá.
Khách hàng phải mua Bảo hiểm thân xe qua Ngân hàng
Khi sắp đến thời hạn mua Bảo hiểm, phía Ngân hàng sẽ chủ động liên hệ nhắc nhở khách hàng hoàn tất tái tục Bảo hiểm. Đa số, các Ngân hàng hiện tại đều bắt buộc Khách hàng phải mua Bảo hiểm tại Ngân hàng (Cũng có 1 số Ngân hàng không yêu cầu mua qua họ, chỉ cần tham gia tái tục là được rồi).
Đối với những Ngân hàng quy định phải mua Bảo hiểm thông qua họ. Nếu khách hàng không làm đúng, hình thức xử lý sẽ cộng thêm biên độ vào năm đó. Nếu năm sau, khách hàng mua qua Ngân hàng trở lại, thì biên độ sẽ giảm xuống.
Và điều này, có quy định rõ khi ký Hợp đồng vay. Trước khi vay mua ô tô, bạn nhớ hỏi rõ vấn đề này nhé.
Ngân hàng sẽ xử lý thế nào với trường hợp Khách hàng không tái tục Bảo hiểm?
Dĩ nhiên, sẽ có hình thức xử phạt đối với những Khách hàng làm trái quy định đã thỏa thuận ban đầu. Tùy từng Ngân hàng khác nhau, sẽ có cách xử lý khác nhau, nhưng chung quy lại sẽ có những cách xử lý sau đây:
Không cấp Giấy lưu hành xe
Đây là hình thức xử lý phổ biến nhất và hiệu quả nhất. Khi vay mua ô tô, Ngân hàng sẽ giữ Cavet xe gốc và phát hành 1 Giấy lưu hành xe để bạn lưu thông trên đường. Và Giấy lưu hành này, sẽ có thời hạn nhất định, từ 3 đến 6 tháng.
Nếu bạn không mua Bảo hiểm tái tục. Ngân hàng sẽ không cấp Giấy lưu hành và chắc chắn bạn sẽ vi phạm luật giao thông. Lúc này, mức phí phạt chạy xe không có Giấy tờ sẽ trầm trọng hơn mức phí tham gia Bảo hiểm nữa đó.
Tăng biên độ vay hoặc lãi suất vay
Một hình thức phạt tiếp nữa, chính là bạn sẽ bị tăng biên độ hoặc tăng lãi suất, chênh lệch khoảng 1%, theo thỏa thuận đã ký trước đó. Và phần lãi, biên độ chênh lệch này sẽ tăng cho đến khi bạn hoàn thành nghĩa vụ mua Bảo hiểm, thì mọi thứ sẽ trở lại ban đầu.
Thủ tục bồi thường đối với xe ô tô vay vốn ngân hàng
Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm thì công ty bảo hiểm sẽ thông báo với ngân hàng mà bạn đang vay vốn về việc xảy ra tổn thất, thiệt hại cũng như giá trị bồi thường bảo hiểm xe ô tô. Khi có xác nhận của ngân hàng về người thụ hưởng( có thể là chủ xe vay vốn hoặc ngân hàng) thì công ty bảo hiểm sẽ tiến hành chuyển tiền bồi thường.
Trong những trường hợp phát sinh thiệt hại tổn thất chủ xe ô tô cần phải thỏa thuận rõ ràng và trước với ngân hàng về việc mức thiệt hại tổn thất là bao nhiêu. Từ đó công ty bảo hiểm cần phải thông báo cho người thụ hưởng mặc định là ngân hàng hay chủ xe ô tô? Dựa theo những căn cứ, thỏa thuận đó, công ty bảo hiểm tiến hành bồi thường theo đúng quy định trong hợp đồng bảo hiểm
Trên đây là một số thông tin về vấn đề xe vay vốn ngân hàng thì bảo hiểm xe ô tô được quy định như thế nào? Bạn hãy tham khảo để có thể hiểu rõ hơn về những quy định trong trường hợp này nhé.